Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2008

May mà mai nở sớm!











Ta học làm hiền sỹ

Chưa thấu đáo kinh thư

Thấy làn môi mọng đỏ

Chứng ngộ lời thiên thu.



Thương bờ sông nắng hạn

Hát khô cổ bỏng lòng.

Em lên đồi vờn gió.

Nghêu ngao, ta – mục đồng.


Tưởng trần gian siêu thực

Vung cọ vẽ chơi chơi

Bờ tóc em cỏ mượt,

Cánh đồng ta bời bời.

























Anh hùng xưa lỡ vận

Bỏ lên nguồn đốt than.

Ta quay đầu về núi

Chạm phải sắc hương nàng.




















Viết bài thơ năm chữ

Trúc trắc luật, âm, vần.

May mà mai nở sớm

Ru em vào giấc xuân!


Bùi Ngọc Thành


Thứ Ba, 22 tháng 7, 2008

Tình cờ thôi nhé!

Click vào hình để phóng to.

Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2008

Ước Hẹn Với Cỏ Hoa

Ngoài quê cũ mùa xuân còn không nhỏ

Sao ta nghe hương nắng tỏa vô ngần!

Dòng sông vẫn ngoan hiền như thuở nọ

Đợi em về đêm thả giọt trăng ngân.


Đợi em về cành mai giờ mới nở

Dẫu muộn màng xuân cũng một lần qua

Sương ban sớm ửng hồng ngang vách núi

Cánh hoa đào ẩn hiện cuối thôn xa.


Trên sân nắng thơ ngây màu lá nõn

Thoáng bâng khuâng, len lén ruổi mây ngàn

Hồn lá mới nghiêng chào cơn gió nhẹ

Sợi tơ mềm chưa lấm bụi trần gian.


Một vầng trăng đêm tháng giêng trầy hội,

Rủ em về quán dốc trải mơ xưa

Dăm câu hát mênh mông sông tình rộng

Trôi miệt mài cho đến tận…ngàn xưa.


Em đã nợ rừng cao lời ước hẹn

Cỏ hoa chiều ngơ ngẩn bóng xuân phai

Em nơi ấy có nghe hoa cỏ vọng

Một lời tình rơi thoảng khẽ trên vai?

Bùi Ngọc Thành


Thứ Tư, 16 tháng 7, 2008

Bay lên theo bóng mẹ



Mồ hôi muối đầm đìa lưng áo mẹ
Vai gánh gồng đâu quản ngại nắng mưa
Ngày khai giảng cõng con vào lớp học
Phận tật nguyền không lẽ để thiệt thua !


Chăm con học, mẹ thức chăm con ngủ,
Bóng trên tường sớm điểm tóc sương pha
Khơi nét chữ cho con nguồn hy vọng
Mắt mẹ vui sao thoáng chốc lệ nhoà !


Con chập chững bước thầm theo năm tháng
Bóng liêu xiêu bên vóc mẹ hao gầy.
Con vấp ngã, mẹ dỗ dành, an ủi.
Nhựa sống đời tuôn nồng ấm đôi tay.


Con đâu biết một chiều nghiêng nắng xế,
Bóng mẹ chìm vào bóng núi xa xăm.
Chim thảng thốt kêu hoài bên tổ cũ.
Cọng rơm khô hoang lạnh chỗ mẹ nằm.


Qua giông bão, mảnh đời con trôi dạt
Được vững vàng nhờ bóng mẹ chở che.
Thân côi cút như cái cò lặn lội.
Vẫn bay lên theo bóng mẹ từ bi.



Bùi Ngọc Thành

Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2008

Phiêu lưu cùng MP3

Bấm nút Play nghe một bản nhạc ngẫu nhiên. Bấm nút MP3Player sẽ mở ra một trang mới và khám phá những giai điệu dễ thương.

Thứ Hai, 7 tháng 7, 2008

Biển Hồ dạ khúc


Ta ở lại với đồi thông nghiêng nắng
Đón chim về, gợn bóng nước hồ xanh.
Cành trinh nữ khép đôi hàng lá nõn.

Mơ màng nghe con sóng vỗ bên ghềnh.



Đợi chờ mãi đêm trăng vàng hạnh ngộ.

Đến soi lòng thăm thẳm đáy hồ sâu.
Ta lạc bước vào hoang sơ cổ tích.
Thoáng trầm ngâm trong kỳ bí, nhiệm màu.


Hương cỏ dại thấm sâu bờ đá dựng.
Vọng từ xa giai điệu của côn trùng.

Ta cứ ngỡ đêm khởi đầu lễ hội.

Hồn rộn ràng, choáng ngợp tiếng đàn T'rưng.



Mai phố thị ta về - Em ở lại.
Biển Hồ xanh một đóa ngọc lưu ly.

Nghiêng ché rượu uống trăng vàng sóng sánh.
Nhịp cồng chiêng níu lại bước chân đi.















Hôm nao lỡ giếng đời ta khô cạn.

Xin nối nguồn theo mạch nước hồ trong.

Em hiền dịu vô vàn con sóng nhỏ.

Thuyền ta neo thoáng chốc đã chao lòng.

Bùi Ngọc Thành

Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2008

Hạt bụi nào...?

Thứ Tư, 2 tháng 7, 2008

Những thành phố mù lòa

Nhân vấn đề xe 3 - 4 bánh và có nhiều vấn đề khác liên quan đến NKT. Đây là nội dung bài viết (bài dịch) trên Blog của nhà báo Trang Hạ.

1. Những thành phố mù loà


Lúc trời mưa tôi thường che ô đi lối thẳng giữa những hàng gạch lát vỉa hè Đài Bắc, những viên gạch lát gồ lên giữa vỉa hè một đường thẳng dễ nhận ra, dành cho người mù. Lúc trời mưa tôi mượn lối đi không bị trơn trượt của người loà.

Nhưng tôi không bao giờ đỗ chiếc xe đuôi dài cao nghều khó xoay trở của mình vào chỗ đỗ xe của người tàn tật, cũng không bao giờ chiếm chỗ của người tàn tật trên lối đi, cầu thang, ghế ngồi. Tôi thà đứng trên xe bus chứ không ngồi lên chỗ ngồi tốt dành cho người di chuyển khó khăn. Càng không bao giờ dùng tranh nút bấm qua đường của người khuyết tật cho dù phải chờ đèn đỏ băng qua ngã tư quá lâu. Tất nhiên, càng không bao giờ chiếm nhà tắm rộng rãi cuối tầng ký túc của người tàn tật, không chiếm toa-lét sạch rộng của người khuyết tật.

Nhưng đó là ở một thành phố khác.

Xứ sở tôi không có chỗ cho tôi lựa chọn. Vì xứ sở tôi đã mù loà.

Đã không dành cho người mù một viên đá lát chỉ đường. Không cho phép người tàn tật tới rạp chiếu phim bằng cách dựng những bậc cầu thang không lối xe lăn. Kỳ thị người kém may mắn bằng cách xây những nhà vệ sinh mà họ không đi lọt nổi qua cửa, những công trình công cộng mà người khuyết tật, mù, thọt, cụt, liệt chỉ có thể hình dung mà không thể tiếp cận.

Vì những kiến trúc lớn như thành phố, nhỏ như một công trình, đã không dành bất kỳ một chút không gian nào cho người khuyết tật sử dụng. Thứ không-gian-không-chướng-ngại thuận tiện cho người khuyết tật sinh sống, hoà nhập xã hội, làm việc, vui chơi, sinh hoạt chung.

Có thể người Việt lạc quan, cho rằng 100% giống nòi đều lành lặn.

Có thể người Việt yếm thế, cho rằng 100% người đã không lành lặn chớ nên phô vẻ khiếm khuyết của mình ra xã hội. Đã què cụt rồi, ra phố làm chi!

Nhưng tôi thì tin lý do 100% là những kiến trúc sư đó mù loà trước đồng bào, những Chủ tịch thành phố vô cảm với cuộc đời thiệt thòi của một bộ phận người dân. Những quy hoạch đô thị mới thừa chung cư nhưng thiếu cả nhà trẻ công viên đi kèm cho người lành thì nói chi tới không gian sống cho người tàn tật. Và những người như chúng ta đã câm điếc trước những tiếng kêu câm lặng của người khuyết tật trước không gian sống chật hẹp giữa đô thị Việt Nam.

Quy hoạch đô thị bây giờ có phải đã lãng quên người tàn tật? Gạt người khuyết tật ra khỏi cuộc sống đô thị khác gì phản bội lại chính những giá trị xã hội cần vươn tới, mù loà tự nguyện một cách thực dụng?

Không tin, bạn thử đi trên phố, đếm xem có mấy toà nhà đặt đường lên thẳng dốc cho xe lăn, có mấy công trình có nhà vệ sinh cho người khuyết tật, có mấy nhà vệ sinh có nút bấm khẩn cấp cứu trợ người khuyết tật nếu gặp khó khăn, có mấy nhà hát dành hàng ghế đặc biệt rộng và không ghế cho người ngồi xe lăn, có mấy lối vào công viên có tay vịn cho người què, có mấy siêu thị dành lối cho người tàn tật vào mua sắm, xe bus nào có cửa mở cho xe lăn?

Tất nhiên trừ một chỗ còn khả dĩ, là bệnh viện, nơi có đường đi dành cho những người đã thẳng cẳng trên cáng cứu thương bốn bánh.

Phúc lợi xã hội không phải chỉ là tiền lương, trợ cấp. Tính nhân bản của một xã hội không phải chỉ là lắm biểu ngữ, nhiều lễ kỷ niệm hoài cổ, có Hội Đoàn dành cho từ người già phụ nữ tới trẻ em quàng khăn. Chăm sóc người khuyết tật không có nghĩa là tới uý lạo tặng quà hàng năm.

Bởi nếu không dành không gian đô thị, họ sẽ không bao giờ hoà nhập được với đời sống lành lặn. Nếu không có quy định khả thi về kiến trúc thiết kế công trình xây mới buộc phải xem xét đến đối tượng người sử dụng bị tàn tật, thì người tàn tật mãi mãi ở đậu trong nhà người lành. Nếu không bắt buộc những công ty lớn dành một tỉ lệ vài phần nghìn cho lao động khuyết tật, họ sẽ khó có cơ hội bước ra khỏi số phận họ. Đẩy người khuyết tật về vỏ ốc gia đình, đùn trách nhiệm chăm sóc người khuyết tật cho người thân có lẽ là một cách buồn bã nhất mà tôi biết, tước những quyền đáng lẽ họ được có trong xã hội này. Hoặc nói cách khác, ta lành lặn sống nên không để ý rằng ta đang hồn nhiên chiếm cứ cả không gian nhỏ nhoi dành cho người khuyết tật.

Một xã hội đã mù loà trước những người cần tới xã hội nhất.

  © Blogger template 'Personal Blog' by Ourblogtemplates.com 2008

Back to TOP