Thứ Ba, 26 tháng 1, 2010

Mặt Trời Đúng Ngọ

Bạn Kim Trang đã scan lại tập san của trường Phạm Hồng Thái Pleiku năm học 1974 trong đó có  bài: Mặt Trời Đúng Ngọ. (Nhấp chuột vào hình để phóng to kích thước)


Mặt Trời Đúng Ngọ


Em nhỏ nhoi như bông hoa Tí Ngọ
Ta gặp em vừa đúng ngọ hôm qua
Đồi vẫn mượt trăm ngàn loài cây cỏ
Ta gặp em cây cũng chịu phong ba.


Em nhỏ nhoi như bông hoa Tí Ngọ
Ta gặp em vào đúng ngọ hôm kia
Đường quen thộc vào giờ đầu mất dấu
Phố buồn tênh như lớp lớp mộ bia.


Tí Ngọ ơi! Ta gặp em bữa trước
Trường hôm nay còn giữ chỗ ta ngồi
Nơi sân vắng vò những chiều không học
Để tìm nhau trong một cõi xa xôi.


Và như thế, Tí Ngọ ơi có biết
Rằng trời cao lồng lộng gió tình ta
Ngày mai nếu ru đời trong nấm mộ
Xác thân tan làm cát bụi ươm hoa.

Bùi Ngọc Thành - Lớp 11A

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2010

"Chiếc hang đời giam lỏng cuộc tình si"

Giáng sinh của riêng anh nên thời gian và không gian chỉ là ... một cái cớ. Như em, là một cái cớ để anh tồn tại giữa chốn này.


GIÁNG SINH CỦA RIÊNG ANH

khi Chúa ra đời anh còn trên sạn đạo
giữa đêm đông hoang lạnh đến vô cùng
anh đi tìm em đêm dài vô tận
ơn Chúa lòng lành ,Người hiểu được anh không

Chúa mãi mãi là hài nhi mà anh thì bạc tóc
Chúa ấm áp trong hang anh lạnh lẽo trong hồn
em giáng sinh anh giữa ngày xuân muộn
anh tự đóng đinh mình không một chút ăn năn

và từ đó anh thành con chiên ngoan đạo
Chúa là em em là Chúa khác gì
đêm thánh vô cùng hoá thành giông bão
chiếc hang đời giam lỏng cuộc tình si

giờ phút Chúa ra đời anh nhớ em da diết
đêm giáng sinh xa cách đến muôn trùng
anh vẫn đi tìm em trong dư âm tiếng hát
lời Thánh buồn cứ đuổi riết sau lưng... 



(Đêm Giáng sinh 24 rạng sáng 25.12.2008,Sài Gòn)
NGUYỄN MIÊN THÀO
* Xin phép anh Nguyễn Miên Thảo cho BNT được dưa bài thơ của anh vào blog Hoa Tí Ngọ với những câu thơ mà BNT tâm đắc.

Thứ Hai, 18 tháng 1, 2010

Không Ra Khỏi Cửa



Cảnh nắng bụi, mưa bùn đã phần nào được giảm bớt, đã bớt đi một số phiền toái. Ấy vậy, mỗi khi nhìn lên kệ sách lại cảm thấy chạnh lòng vì màu vàng ố càng ngày càng hiện rõ trên những bìa sách mà mình trân trọng bấy lâu.
"Cái khó nó ló cái khôn", không biết phải vậy không! Ra tiệm tạp hóa mua một lạng bì bao nylon kính, trở về nhà dồn hết sách vở vào bên trong cũng sắp xếp theo từng thể loại và lại đưa lên kệ. Trông không được thẩm mỹ lắm, nhưng trước mắt là ... bảo quản chờ đến khi nào có tiền sẽ lắp kính hoặc đóng một tủ kính cho hoành tráng!
Đã gọi là sách quý (với mình thôi) thì cũng lật lại một vài trang:


Bất xuất hộ, tri thiên hạ.
Bất khuy dũ, kiến Thiên Đạo.
Kỳ xuất di viễn,
Kỳ tri di thiểu.
.......
Không ra khỏi cửa,
Mà biết được việc thiên hạ.
Không dòm ngoài cửa,
Mà thấy được Đạo Trời.
Càng ra xa,
Càng biết ít.
.......
BÌNH CHÚ
.......
Cái học cũa Lão Tử , là cái học trở vào trong, cái học "nội quan phản chiếu", không phải cái học "trục vật", đuổi theo ngoại vật. Bởi vậy mới nói: "Bất xuất hộ, tri thiên hạ"...
Việc thiên hạ cũng như Đạo Trời, chung quy cũng không ngoài việc riêng của mỗi người của chúng ta. Vấn đề của cá nhân, tức là vấn đề của xã hội, của nhân loại. Giải quyết được được vấn đề của cá nhân là giải quyết được vẫn đề của xã hội.
......
(Trích LÃO TỬ - ĐẠO ĐỨC KINH - Thu Giang NGUYỄN DUY CẦN dịch và bình chú - Nhà xuất bản Văn Học - Trang 228, 229 và 230)
Ngày nay, không phải là bậc thánh nhơn, không ra khỏi nhà vẫn biết được việc thiên hạ nhờ vào ... internet. Nhưng cái "TRI" đâu dễ gì đạt được!
Thị dĩ thánh nhơn
Bất hành nhi tri
Bất kiến nhi danh,
Bất vi nhi thành.

(Bởi vậy, thánh nhơn,
Không đi mà biết,
Không thấy mà hiểu,
Không làm mà nên.)
(Sách đã dẫn)
... Càng đọc mình lại thấy mình càng mù tịt!  Nhưng sách quý thì vẫn là sách quý!

Thứ Ba, 12 tháng 1, 2010

Về đâu vó ngựa?



Cuộn mình trong chăn chú bé mơ màng nghe tiếng lục lạc và tiếng vó ngựa gõ trên đường, những chuyến ngựa thồ ngược xuôi hai đầu thị trấn. Tiếng ngựa gõ trên đường vào những sớm mai lạnh buốt hơi sương hoặc chiều hôm nắng vàng héo hắt đã theo chú bé mấy mươi năm để bất ngờ thốt lên “bóng câu cửa sổ” và lại cuộn mình trong tấm chăn êm đềm quá khứ.
Nhưng quá khứ đâu phải thật sự êm đềm. Con ngựa nơi thị trấn bé nhỏ đã lạc vào thế giới phim cổ tích Ấn Độ để theo hoàng tử đẹp trai giải cứu mỹ nhân. Con ngựa thồ hiền lành ốm yếu bỗng dưng trở nên vạm vỡ, tung vó bụi mù theo đoàn quân La Mã đi chinh phục khắp nơi. Con ngựa cũng nếm mùi chiến bại, lấy da mình bọc thây cho minh chủ.
Có thể những đức tính và hình ảnh của con ngựa trong văn học và các bộ môn nghệ thuật đã làm tôi ngưỡng mộ nhưng tiếng vó ngựa in vết trong tôi từ thưở ấu thời thì cứ quay về ám ảnh. Tôi không thể lý giải tại sao, và cũng không thể nào lý giải tại sao hai câu thơ tôi nghe từ thưở thiếu thời, cũng về ngựa, lại âm vang hoài trong tâm thức:

Đời buồn tênh sao người không đi ngựa
Cho tôi nghe lóc cóc trên đường.

Tiếng lóc cóc có phải là tiếng đồng hồ gõ nhịp trong đêm, tiếng của thời gian vọng ngoài cửa sổ mỗi chiều về? Đời buồn tênh sao không để người chọn một phương tiện khác nhanh hơn, hiện đại hơn để không thấy cơn buồn kia dai dẳng, để mau về nơi đô hội phồn hoa? Nhà thơ đã sử dụng quyền năng tối thượng để người đọc phải chấp nhận những nghịch lý, phải đương đầu với nghiệt ngã, tai ương và từ đó chiêm nghiệm được đôi điều từ cuộc sống. Có thể đôi điều ấy cũng rất bình thường nhưng nhà thơ lại đặt ta ngồi ở một góc độ khác khiến cho điều bình thường ấy trở thành sự ngỡ ngàng , kinh dị.
Kiếp ngựa ruổi rong, mịt mù mê lộ. Trong cuộc hành trình “ta đi kiếm mình, kiếm mỗi một ta thôi!” có biết bao buồn vui, huyễn hoặc, đôi lúc chất ngất tủi hờn. Từ nhân sinh thế sự cho đến cuộc tình đầy thoắt đó trở nên vơi, và cả vầng trăng không đáng để tôi tin.
Thì thôi hãy để tôi về cuộn mình trong tấm chăn ấm êm thời thơ ấu mơ màng nghe vó ngựa.

* Những dòng in đậm được trích dẫn từ tập thơ Ngựa hồng của Cao Thọai Châu 

Thứ Hai, 11 tháng 1, 2010

LẬP TÌNH - Thơ HÀ NGUYÊN DŨNG


Nghe Bá Lý Hề nói tuổi bảy mươi
Mục Công vê vê râu, than: - Già lắm!
- Như bệ hạ bắt thần đi săn bắn
Thì quả thần không giương nổi cây cung
Còn bàn mưu làm quốc thái dân hưng
Thần ngồi nói ngày đêm không mỏi miệng.
Vua trọng dụng, Bá Lý Hề vinh hiển
Ăn bát vàng quên phắt thưở hàn vi ...

Còn em, em lại sợ cái chi
Ta, chẳng giấu giếm, tuổi tri thiên mệnh
Như em đốc đời ta dời non lấp biển
Thì thiệt tình ta không sức đảm đương
Còn như em có lòng ham mộ văn chương
Thì hà tất phải so đo tuổi tác
Tóc ta bạc nhưng lòng không bạc
Trái cuối mùa đâu phải trái đắng chua
Ta hằng ngày sống đắp đổi muối dưa
Bởi quen thói thắt lưng buộc bụng
Tình, vốn quý, ta cắc ca cắc củm
Nên tình đầu tình cuối cũng tình thâm

Người xưa lặn lội tìm minh quân
Ta, bỏ học, chu du tìm cái đẹp
Đường công danh mỗi người rộng hẹp
Lã Vọng, Bá Lý Hề, ta thiệt long đong
Bôn ba nửa đời gần khắp núi sông
Chưa gặp chỗ lập thân, buồn mốc mặt.
Không phò được quốc vương, ta phò quốc sắc
Không lập thân, ta thử vận lập tình.

Kìa, em cười chi, vẻ nửa trọng nửa khinh
Nghe loáng thoáng tiếng hang sâu núi cả
Cái quốc sắc là cái mầm đại họa
Dù thân danh bại liệt ta cam lòng
Thà chết vì thơ, chết cạnh má hồng
Còn hơn sống trôi sông lạc chợ
Đời thơ ta nhờ em mà rạng rỡ
Ta mặt mũi nào quẹt mỏ, phủi tay.

Danh tướng xưa lấy da ngựa bọc thây
Ta mong được lấy thơ gói xác
Kẻ vì thơ, người vì xã tắc
Hy vọng đời khen thưởng công minh.

Kìa, em lại cười, vẻ nửa trọng nửa khinh!


HÀ NGUYÊN DŨNG
11-2000


Mười năm đọc lại tập thơ CỬA ĐỢI SÔNG HOÀI.

Thứ Năm, 7 tháng 1, 2010

Đêm và Em

Đêm và Em



Hoăng hoắc đêm, ngọn nến thầm


Hắt mùi cỏ mục, dãi dầm bụi, mưa.

Ánh sao rụng xuống bao giờ

Sông sâu  tiếng vọng đội bờ sương lên.

Thăm thẳm em, tóc rũ mềm

Gieo hương sứ trắng lạc trên phố người.

Sầu đông nhuộm tím trăng khơi. 

Chim bay chạm cánh mây trời hợp tan.

Đêm và Em - Cõi hồng hoang

Thắp tôi - một ngọn nến vàng hắt hiu.

Bùi Ngọc Thành

Thứ Ba, 5 tháng 1, 2010

Trên Môi Người Tháng Chạp









Màu nắng ấm trên môi người tháng chạp
Có rọi vào sương lạnh cuối chiều không?
Bên bến đợi tơ chùng rung phím nhớ
Giọt âm xưa, theo sóng nước xuôi giòng.

Màu nắng ấm trên môi người có phải
Đã một lần ẩn hiện bóng ma trơi?
Bầy đom đóm nhen chút tình mê mải
Sợ bình minh không kịp gọi tên người.

Màu nắng ấm trên môi người ủ dột
Có ru hời bên liếp giậu liêu xiêu?
Khung cửa vẹo, hiên xưa tình tróc mái
Bão giông qua còn giữ được chi nhiều!

Màu nắng ấm trên môi người tháng chạp
Có nguyên màu môi ấy thưở trăng non?
Chung rượu cuối, men tình xưa dẫu nhạt
Rót về đâu cũng ngập úng cơn buồn.

Màu nắng ấm trên môi người có thể
Trải đôi lời cho trọn cuộc phân ly.
Bàn tay vẫy, một bàn tay bất hạnh
Tiễn đưa chiều, một vệt nắng trôi đi ...


Bùi Ngọc Thành

Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2010

Nằm đâu?











Ảnh SGTT

Đầu năm ... ta biết nằm đâu?

Nhân gian chật ních đôi đầu tử sinh.

Bước qua, bước lại bóng mình

Chợt em ẩn hiện cuối ghềnh hát ru.

Đầu năm mở cõi xa - mù.

Nằm đâu ta đợi thiên thu gọi về?

 

Bùi Ngọc Thành

  © Blogger template 'Personal Blog' by Ourblogtemplates.com 2008

Back to TOP