Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Over and over – Nana Mouskouri


Năm 2005, nữ ca sĩ huyền thoại Hy Lạp Nana Mouskouri đã thực hiện chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới để từ biệt khán giả hâm mộ và kết thúc sự nghiệp âm nhạc.

Nana Mouskouri là một trong những giọng ca tuyệt vời nhất trên thế giới. Cô biểu diễn những ca khúc folk, jazz, cổ điển với sự dịu dàng, nhạy cảm và giản dị đến không ngờ…
Giọng hát của Nana có thể kết nối người với người ở bất kỳ miền đất nào bởi đó là tiếng hát thấm đẫm vẻ đẹp và chạm tới thẳm sâu tâm hồn. Nana luôn có khả năng diễn đạt những thứ quý báu nhất tiềm ẩn trong mỗi chúng ta.
Với đôi mắt luôn mở to sau cặp kính, gương mặt sáng và miệng cười thân thiện, ở Nana luôn toát ra sức hút lạ kì.Qua giọng hát, cô đã chuyển tải tới khán giả một thế giới tươi đẹp, trong suốt và thấm đẫm tình yêu thương.
Để tóm tắt cuộc đời mình, Nana mượn câu thơ của một người bạn – nhà thơ Hy Lạp Nikos Gatsos:
“Mặt trăng có thể làm bằng giấy, bờ biển có thể là tưởng tượng, chúng ta tin vào nó, nên tất cả thành hiện thực.
Đừng bao giờ ngừng đi tìm chân lý, hy vọng, hòa bình và tình yêu. Chúng ta cần điều đó để sống. Mọi vẻ đẹp có thể tồn tại, quan trọng là ta phải tin”.
Các bạn nghe lại một bài hát ngọt ngào hương vị của tình yêu: “Over and over” qua giọng ca Nana nhé:

Nguồn:dotchuoinon.com/2011/11/04/over-and-over-nana-mouskouri/

Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011

CLASSICAL CROSSOVER: DÒNG NHẠC ĐẦY HẤP LỰC

Đây là dòng nhạc vẫn được quen gọi là "giao thoa", chỉ những phong cách pha trộn giữa nhạc cổ điển và nhạc đại chúng như pop, rock... Phong trào "classical crossover" rộ lên khi có nhiều nghệ sĩ xuất thân từ dòng nhạc cổ điển thích biểu diễn - vừa chơi nhạc cụ vừa ca hát - thứ âm nhạc kinh điển bằng phong cách phổ thông, đại chúng. Crossover nhanh chóng được ưa chuộng bởi sự gần gũi và sang trọng mà nó mang lại cho cả nghệ sĩ và người nghe. Những tên tuổi lớn của dòng nhạc này hiện đang được yêu thích là Sarah Brightman, Andrea Bocelli, Josh Groban, Charlotte Church, Vanessa Mae, Bond, Joshua Bell, Lili Haydn...
HAYLEY WESTENRA: Pure
Cô bé 17 tuổi người New Zealand đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng toàn cầu bằng giọng hát trong veo, thánh thiện của mình. Album Pure của cô thiên về chất nhạc pop nhiều hơn với hòa âm tuyệt đẹp được chơi bởi dàn nhạc giao hưởng hoàng gia Anh. Trong album này, Hayley Westenra hát lại ca khúc nổi tiếng của nữ nghệ sĩ cựu trào Kate Bush - Wuthering heights (Đỉnh gió hú) với cách nhả chữ như những giọt âm thanh thánh thót.
Dark Waltz

We are the lucky ones
We shine like a thousand suns
When all of the colour runs together

I'll keep you company
In one glorious harmony
Waltzing with destiny forever

Dance me into the night
Underneath the moon shining so bright
Turning me into the light

Time dances whirling past
I gaze through the looking glass
And feel just beyond my grasp is heaven

Sacred geometry
Where movement is poetry
Visions of you and me forever

Dance me into the night
Underneath the moon shining so bright
Turning me into the light

Dance me into the night
Underneath the moon shining so bright
Let the dark waltz begin
Oh let me wheel - let me spin
Let it take me again
Turning me into the light

Theo Đức Tùng (báo TTTD)

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

Hiểu ca từ không có nghĩa là hiểu âm nhạc

Tác giả: Vĩnh Lạc
Với một bài văn là con thuyền “chở” ý thì bản nhạc tự nó đến với ta, không nhờ ai “chở” đi và có thể cũng không “chở” ai đi. Chúng ta thưởng thức bản thân âm thanh chứ không thưởng thức cái mà âm thanh mang đến.

Những nhà chuyên môn lẫn những người không chuyên âm nhạc vẫn thường hay dùng câu "hiểu âm nhạc" mà không xét tới nghĩa chính xác của câu này, thậm chí không nghĩ tới việc khái niệm "hiểu" có thể áp dụng cho âm nhạc hay không.
Chúng ta nói: "tôi không hiểu Beethoven" giống như chúng ta nói: "tôi không hiểu Einstein", nhưng chúng ta không để ý sự khác biệt giữa các phát biểu này. Đâu là cái khác biệt giữa một nhạc phẩm mà ta hiểu với một nhạc phẩm mà ta không hiểu? Có một cái gì khác ngoài ca từ có thể hiểu được trong âm nhạc không?
"Hiểu" là một động tác của tri thức. Âm nhạc có phải là tri thức để mà hiểu hay không? Nếu ta nói rằng có, tức là tri thức có một vai trò gì đó trong thưởng thức âm nhạc, thì chúng ta có thể kết luận rằng chính cái đó sẽ xác định xúc cảm và lạc thú mà bản nhạc đem lại cho chúng ta? Hay là sự thấu hiểu sẽ theo gót chứ không dẫn dắt xúc cảm?
Từ "hiểu" chỉ có thể áp dụng cho âm nhạc nếu như âm nhạc có một ý nghĩa nào đó. Hiểu tức là nắm bắt được ý nghĩa, mà ý nghĩa là cái giá trị khách quan được tượng trưng bởi các ký hiệu và mối liên hệ giữa những ký hiệu với nhau.

Với một bài văn là con thuyền “chở” ý thì bản nhạc tự nó đến với ta. Ảnh: yume.vn


Liệu có thể có một khái niệm nào trong âm nhạc có chức năng làm biểu tượng cho một ý nghĩa nào đó? Chẳng hạn, ta thường thấy các chỉ dẫn ghi trong bản nhạc: "hùng tráng", "vui tươi" hay "chậm, buồn", đó là những chỉ dẫn rất mơ hồ, không có gì đảm bảo những dàn nhạc khác nhau thể hiện cái "hùng tráng", "vui tươi", "buồn" như nhau cả.  Chính việc nhà soạn nhạc ghi những chỉ dẫn như thế trên bản nhạc cho ta thấy sự bất lực của phép ký âm trong việc bảo đảm truyền đạt ý của tác giả đến người trình tấu.
Thính giả của một bài diễn thuyết bằng lời có thể có những phản ứng khác nhau về bài nói. Thính giả của một bản nhạc cũng thế. Khác biệt là bài diễn thuyết có một ý nghĩa xác định rõ ràng qua nội dung những từ ngữ trong bài, ý nghĩa từng từ ngữ đó được ghi rõ trong từ điển. Nếu một bài diễn thuyết kêu gọi hòa bình lại gây ra xô xát, ta bảo bài diễn thuyết đó bị hiểu lầm. Điều này không thể xác định rõ như thế trong âm nhạc.
Trong âm nhạc, hệ thống các âm thanh được cảm nhận trực tiếp, nó có một giá trị thực chất, nó có thể khơi dậy những cảm xúc mãnh liệt, nhưng tất cả diễn ra trong một mức sâu kín hơn ngôn ngữ trong tâm tưởng người thưởng thức, và chính sự thưởng thức mới quan trọng hơn sự thấu hiểu.
Với một bài văn là con thuyền "chở" ý thì bản nhạc tự nó đến với ta, không nhờ ai "chở" đi và có thể cũng không "chở" ai đi. Chúng ta thưởng thức bản thân âm thanh chứ không thưởng thức cái mà âm thanh mang đến.
Nhưng phải chăng ngôn ngữ luôn chỉ là một hệ thống ký hiệu mà không có chút giá trị nội tại nào trong những câu, chữ? Không, hoàn toàn không. Hãy xem thơ ca, nếu tách bài thơ thành những mệnh đề, nhóm từ và từ mà phân tích, liệu chúng ta có nắm bắt tất cả giá trị tiềm ẩn trong bài thơ? Hoàn toàn không, chúng ta sẽ bỏ mất thật nhiều, đôi khi là tất cả. Bài thơ chỉ được truyền đạt trọn vẹn khi nó đến một cách toàn vẹn, mọi sự phân tích sẽ ít nhiều làm mất cái "chất thơ".
Thơ, đó là ngôn từ được sử dụng một cách nghệ thuật, nó mang lại giá trị của bản thân ngôn từ chứ không chỉ ý nghĩa. Từ âm điệu, vần nhịp, xúc cảm không diễn giải được, các giá trị này nằm bàng bạc trong toàn thể bài thơ mà không nằm ở bất cứ phần nào có thể chỉ ra được. Cũng như thế, một khúc nhạc không thể được phân tích, tách rời và diễn dịch bằng các thuật ngữ hợp lý.

Nhưng sẽ là sai lầm nếu từ đó rút ra kết luận "âm nhạc không có nghĩa gì cả", hoặc nội dung của âm nhạc là mơ hồ. Cho dù âm nhạc là không thể diễn dịch được, có một cái tạm gọi là "nhạc cảm" trong bản nhạc, nó có thể cực kỳ xác định. Nói đến nhạc cảm không chỉ là nói đến các cảm xúc vọng lại từ thính giả. Những cảm xúc vọng lại này sẽ tan biến, nhưng tồn tại rõ ràng trong mỗi bản nhạc là cái nội dung tinh thần làm cho một bản nhạc không thể lẫn lộn với các bản nhạc khác.
Một bản nhạc được sáng tác ra, nhiều nhạc công chơi nó, tất cả đều khác nhau đôi chút trong cách xử lý nốt nhạc, họ tạo ra những phản ứng khác nhau từ thính giả. Tất cả những cách thể hiện và đáp ứng đó đều không sai, vì dựa trên cái gì để phán xét? Chỉ riêng tác giả biết được cảm xúc của thính giả có đúng với những gì mình muốn diễn đạt hay không. Nhưng rồi tác giả mất đi, tất cả chỉ còn là những ký hiệu trên trang giấy và những chỉ dẫn mơ hồ về cách diễn tấu.
Một số cảm xúc có thể được truyền đạt không phải qua bản thân âm thanh của bản nhạc mà từ tên gọi, ca từ, giai thoại, kiến thức về tiểu sử tác giả, về hoàn cảnh lịch sử khi bản nhạc ra đời. Gạt bỏ tất cả những thứ ngoài bản thân âm thanh thì bản nhạc truyền đạt được gì? Truyền đạt cụ thể và chính xác đến mức nào? Nếu đặt lại tên, đặt lại lời một bài hát, liệu có thể làm quay ngược nhạc cảm 180 độ hay không?
Người ta thường có khuynh hướng cho rằng âm nhạc là nghệ thuật kết hợp các âm thanh, các nhà soạn nhạc được hình dung như các phù thủy, pha trộn âm thanh để tạo ra cảm xúc và khoái cảm cho thính giác. Nếu chỉ có thế, một đầu bếp trứ danh cũng làm phép trên thịt thà, rau cá, phối hợp hương vị để tạo cảm xúc và khoái cảm cho thực khách, có kém gì?
Cái khác biệt là người ta có thể thưởng thức món ăn mà không cần nhiều đến trí thông minh, học vấn và vốn sống, nhưng với âm nhạc thì không thể. Khi nghe nhạc, người ta chấp nhận một kết nối tâm linh giữa tác giả, người trình tấu và người nghe, trong đó cả ba đều thể hiện và phát triển nhân cách của mình, nhiều hay ít. Trong âm nhạc, luôn có trao và nhận, có biểu đạt và tiếp thụ, song hơn nữa, có sự sáng tạo không chỉ ở người trao mà còn ở người nhận.
Mỗi người đều có một cách cảm thụ âm nhạc theo cách riêng của mình. Ảnh: nguyenduvt.info

Vậy âm nhạc không phải chỉ là sự kết hợp âm thanh để tạo khoái cảm cho đôi tai. Nội dung của âm nhạc, nếu như không diễn giải được, không phải vì nó quá mơ hồ, mà ngược lại, bởi vì nó quá cụ thể. Nó là nhân cách, con người của nhạc sĩ. Nếu tôi giới thiệu với bạn một người, tôi có thể nói gì? Đây là ông X, ông là tiến sĩ, giáo sư, ông đã viết công trình A và B, ông đã phát minh ra Y và Z..., tất cả những điều đó cho bạn cảm giác cụ thể về ông X, kỳ thực chúng chỉ là trừu tượng. Ông X cụ thể, bạn chỉ biết khi đã sống với ông ta, có những giao tiếp mật thiết với ông ta. Cái cụ thể không thể diễn giải gì thêm, ngược lại cái có thể diễn giải bằng lời lại chỉ là những điều trừu tượng.
Bạn cho tôi nghe một khúc nhạc và hỏi tôi: Bạn nghe thấy gì? Bạn có thể nói lên điều gì? Nếu đó là âm nhạc đích thực, tôi chỉ có thể nói: Tôi nghe thấy khúc nhạc của bạn, tôi không thể truyền đạt cho ai điều gì về khúc nhạc ấy, ngoài việc chơi lại nó lần nữa, nếu tôi có thể.

Có lẽ có hai cách nghe nhạc khác nhau. Một là gắng sức cảm thụ cái đẹp, khi đó nghe một bản nhạc có thể là một công việc đôi khi mệt nhọc và đôi khi có cả đau đớn, tương tự như đọc một bài thơ buồn, xem một vở bi kịch, nó đòi hỏi một sự chuẩn bị tinh thần, một quá trình hành động tích cực và chủ động diễn ra trong tâm thức, phối hợp với sự diễn tấu. Cách thứ hai, mà tôi cho là đa số người nghe nhạc thường theo, là thụ động buông mình theo cảm giác, nhằm tìm thấy những khoảnh khắc vắng mặt của ý thức. Có những bản nhạc thích hợp cho cách nghe này hay cách nghe kia, có lẽ người ta chia âm nhạc ra loại "giải trí" và loại "nghiêm túc" là vì vậy.
Nhưng cũng chẳng có gì cấm chúng ta cảm thụ theo cả hai cách cùng một lúc.

Nguồn:http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-08-20-cach-cam-thu-am-nhac-co-dien






Thứ Năm, 3 tháng 11, 2011

Hấp lực của dòng nhạc cổ điển


Tầm quan trọng của âm nhạc trong giáo dục con người là một trong những điểm gặp nhau của các nền văn minh Đông và Tây. Ở phương Đông, người xưa quan niệm "hưng ư thi, lập ư lễ, thành ư nhạc" tức giáo dục con người trước tiên tạo hứng khởi bằng thơ, kế uốn nắn bằng lễ và cuối cùng hoàn thiện bằng nhạc - Luận Ngữ.

Ở phương Tây, việc học nhạc từ thời thơ ấu được xem như phương tiện rèn giũa tính tự giác kỷ luật và một sự hiểu biết về các tác phẩm âm nhạc quan trọng là một phần tất yếu của nền giáo dục cá nhân tốt. Ảnh: motgiadinh.com


Ở phương Tây, việc học nhạc từ thời thơ ấu được xem như phương tiện rèn giũa tính tự giác kỷ luật và một sự hiểu biết về các tác phẩm âm nhạc quan trọng là một phần tất yếu của nền giáo dục cá nhân tốt. So sánh với nền giáo dục hiện tại của nước ta ngày nay, tầm quan trọng của âm nhạc trong giáo dục dường như bị hạ thấp và không loại trừ chính việc này góp phần dẫn đến một sự suy đồi trong lối sống mà dư luận đang báo động.
Song song với những bức xúc vì thói vô trách nhiệm, vô kỷ luật, đạo đức giả, gian lận, sống thiếu lý tưởng, tôn thờ vật chất là những than phiền về một nền âm nhạc đầy những "thảm họa", "nhố nhăng", "vay mượn", "trộm đạo" và không vươn được ra tầm quốc tế.

Nói như thế không phải là phủ định tất cả những nỗ lực trong giáo dục âm nhạc mà vẫn phải thừa nhận có những thành tựu, tâm huyết. Song dường như những điểm sáng hãy còn quá nhỏ nhoi và hầu hết những tiếng nói có trách nhiệm vẫn chìm lỉm trong tiếng ồn của thị trường khá hỗn loạn hiện tại. Mọi tiếng nói đó đều nhắc tới sự lép vế của nền âm nhạc "nghiêm túc", đến tình trạng thiếu hướng dẫn, kế thừa trong sáng tác, trình diễn và thưởng thức âm nhạc.
Dù nói thế nào đi nữa cũng phải thừa nhận xã hội nước ta ngày nay đã là một xã hội âu hóa, chúng ta mặc âu phục, học tiếng Anh, ở trong nhà xi măng, sử dụng máy tính điện tử và đang dần chuyển sang di chuyển bằng xe hơi và thậm chí khi chơi nhạc phần lớn chúng ta cũng dùng nhạc cụ phương tây, nghĩa là có tất cả những đặc trưng bề ngoài của một xã hội âu hóa.

Thế nhưng âm nhạc cổ điển vốn là cốt lõi không những của nền âm nhạc mà cả nền giáo dục phương Tây vẫn là một thứ khá xa lạ trong quảng đại quần chúng. Đáng buồn hơn nữa, cổ nhạc phương Đông dường như lại càng xa lạ hơn, bởi vì như nhiều nhà nghiên cứu đã thừa nhận, cổ nhạc phương Đông còn khó thấu hiểu hơn nhạc cổ điển phương Tây nhiều lần. Nếu một người không đủ năng lực hiểu nhạc cổ điển phương Tây thì khó hi vọng người đó thấu hiểu tinh túy của âm nhạc phương Đông vốn chỉ gặp gỡ với âm nhạc phương Tây ở một tầm rất cao.
Chúng ta có những nhạc viện với trình độ không quá kém cỏi, có những nhà nghiên cứu âm nhạc tầm cỡ thế giới, song nền giáo dục âm nhạc phổ thông thì gần như con số không. Môn âm nhạc ở nhà trường phổ thông vẫn bị xem nhẹ, có chăng là ở các bậc mẫu giáo và tiểu học còn ở các bậc cao hơn thì bị áp lực thi cử đỗ đạt đẩy hẳn ra rìa. Như thế làm sao chúng ta có thể mơ tới một thị hiếu âm nhạc lành mạnh, một nền âm nhạc phát triển? Bởi vì nền âm nhạc của chúng ta hiện nay chỉ tiếp nhận được phần ngọn của cả âm nhạc Đông và Tây, thiếu hẳn phần gốc, như một cành cây bị cắt lìa thân, không còn nguồn nhựa sống.
Vì vậy đã đến lúc nghĩ đến việc phổ cập kiến thức âm nhạc như một phần không thể thiếu của nền giáo dục, với tầm mức quan trọng không kém việc phổ cập chữ viết, văn học và kiến thức khoa học-kỹ thuật. Và trong khi phần lớn nội dung giảng dạy trong nhà trường hiện nay là tương đồng với các nhà trường phương Tây, chúng ta nên xuất phát từ âm nhạc cổ điển phương Tây. 
Vì sao như vậy? Thứ nhất, âm nhạc cổ điển phương Tây hầu như đã được thừa nhận là nền âm nhạc cổ điển thế giới bởi nó đã được phổ cập rất rộng và có quá trình phát triển liên tục không gián đoạn, gắn trực tiếp với âm nhạc thế giới hiện đại. Chúng ta đã chấp nhận sử dụng ký âm pháp, lý thuyết âm nhạc và nhạc cụ phương Tây thì không lý do gì chúng ta từ chối âm nhạc cổ điển phương Tây vốn là cội rễ của những thứ đó.
Thứ hai, âm nhạc phương Tây được hệ thống hóa thành một lý thuyết rõ ràng, mạch lạc, cụ thể, dễ dàng giảng dạy ở mọi trình độ trong khi âm nhạc phương Đông ít được giảng giải, lý thuyết thường có mức trừu tượng cao hơn. Như đã nói, phương Tây ngày nay đang có khuynh hướng tìm đến phương Đông và ngày càng phát lộ những điểm gặp gỡ ở tầm mức cao, vì thế khởi đầu việc phổ cập từ âm nhạc phương Tây là một cách làm hợp lý mà hầu hết thế giới đều chọn lựa.
Thứ ba, âm nhạc cổ điển phương Tây phát triển ở nhiều nước, hầu hết các tác phẩm đều có nhiều bản ghi âm do những dàn nhạc trình độ cao trình tấu, tài liệu nghiên cứu cũng hết sức phong phú nên việc phổ cập là tương đối dễ dàng với những phương tiện kỹ thuật âm thanh tiến bộ và thông dụng hiện nay. Cuối cùng, tiếp cận âm nhạc phương Tây là tiếp cận một nét văn hóa toàn cầu, cũng là một cánh cửa hội nhập rộng mở cho giới trẻ đi vào nền văn hóa thế giới.


Chúng ta cần tạo một ý thức rõ ràng rằng giáo dục âm nhạc cũng có thể góp một phần rất lớn giải quyết những vấn nạn trong việc chấn hưng đạo đức xã hội hiện nay. Ảnh: lamtheo.com


Với ý thức như thế, nhìn lại thực trạng tiếp cận âm nhạc cổ điển phương Tây ở nước ta hiện nay, rõ ràng có sự bất cập lớn. Đa số quần chúng có khái niệm hết sức lờ mờ về cái gọi là âm nhạc cổ điển. Với một số người, "nhạc classic" chỉ là "nhạc guitar classic", do cây đàn guitar đã trở thành nhạc cụ phổ biến nhất ở Việt Nam, và những bản nhạc guitar cổ điển là thể loại nhạc cổ điển duy nhất có tương đối nhiều người có dịp nghe. Đối với một số khác, khái niệm "nhạc cổ điển" và "nhạc hòa tấu" là lẫn lộn không phân biệt được. Khá ít người phân biệt được "nhạc giao hưởng", "nhạc thính phòng" là thế nào. Nhiều người trẻ nghe đến chữ "cổ điển" là đã mất hứng vì "cổ" đã có nghĩa là già nua.
Nghe nhạc đối với đa số người Việt là một hoạt động giải trí đơn thuần, ít người có thói quen thưởng thức âm nhạc một cách toàn tâm toàn ý. Người ta thường nghe nhạc trong quán cà phê, nghe trong lúc nói chuyện với nhau, lúc ăn uống hay lúc làm việc khác. Ngồi nghe một bản nhạc một cách tập trung, không làm bất cứ gì khác, không gây tiếng động và không cử động mạnh đối với nhiều người là một cực hình.
Hơn nữa, với nhiều người thì âm nhạc là bài hát, nghe nhạc là nghe ca từ, nếu không có ca từ thì người ta không "hiểu" được gì cả. Bởi vì nhiều người không được rèn luyện cách hiểu mà không thông qua ngôn ngữ, trong khi nhạc cổ điển ít khi có lời, vậy làm sao họ "hiểu" được? Nếu nói với những người này rằng chẳng có gì cần phải hiểu cả, vì nghe nhạc khác với đọc văn, chỉ cần cảm chứ không cần hiểu, họ lại càng cảm thấy kỳ lạ hơn. Và tự nhiên có một quan niệm: nhạc cổ điển rất là "khó nghe", hay nói khác là khó hiểu.
Chính vì thế, chỉ một số bản nhạc cổ điển ngắn và có tên gọi cụ thể như "Dòng sông xanh", "Ánh trăng", "Bốn mùa"... là được nghe nhiều, mặc dù người ta vẫn thấy mơ hồ về những gì bản nhạc muốn truyền tải.
Thái độ "kính nhi viễn chi", hay nói cách khác, "không hiểu thì tránh xa" càng làm cho âm nhạc cổ điển ít có người nghe. Thái độ này cũng xảy ra trong những lĩnh vực nghệ thuật trừu tượng khác như hội họa, điêu khắc, vũ đạo... nhưng nặng nề nhất vẫn là trong âm nhạc.

Rõ ràng, năng lực cảm nhận "cái trừu tượng" là khá xa lạ với quần chúng, cho dù cái gì là trừu tượng, cái gì là cụ thể, văn học hay âm nhạc thuần túy thì vẫn phải bàn cãi.
Như vậy, có thể nói công chúng ở nước ta bây giờ vẫn còn bị ngăn cách với văn hóa thế giới bởi một cái hố lớn. Cái hố đó ngày nào chưa san lấp thì vẫn còn những "thảm họa" trong âm nhạc, kiến trúc, điêu khắc, hội họa... cũng như những thứ "tầm thường" hơn như phép lịch sự xã giao hay trật tự vệ sinh công cộng.
Có một sự thiếu sót thể hiện khắp nơi trong giáo dục con người ở nước ta, mà nhiều người từng đề cập. Chẳng hạn dạy ngôn ngữ một nước nhưng ít dạy văn hóa, văn minh của nước đó, đến nỗi học sinh không viết tiếng Anh mà chỉ "viết tiếng Việt bằng chữ Anh". Hoặc dạy lái xe và luật giao thông nhưng ít dạy "văn hóa đi đường" khiến cho ùn tắc khắp nơi. Sự thiếu sót đó chính là sự coi nhẹ yếu tố văn hóa trong giáo dục.
Trở lại với âm nhạc, chúng ta học sử dụng piano, guitar..., dùng âm giai phương Tây, nhạc lý phương Tây thì cũng rất nên nghe nhạc cổ điển phương Tây, bởi nhạc cổ điển phương Tây là một cội nguồn lớn của âm nhạc hiện đại và cũng là một yếu tố không thể thiếu trong văn hóa toàn cầu, thế mới là không thiếu sót.
Chúng ta cần thời gian và những giải pháp tích cực để khắc phục các thếu sót này. Nếu như rất nhiều giáo sư, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu trong các nhạc viện của ta vẫn còn đang bó tay, chắc chẳng có ai có giải pháp gì.
Thế nhưng nếu như các nhà giáo dục, các nhà hoạt động âm nhạc và giới truyền thông của chúng ta quan tâm nhiều hơn đến việc phổ cập kiến thức, hướng dẫn văn hóa âm nhạc cho quần chúng thay vì chỉ quan tâm đến việc tổ chức biểu diễn và dạy chuyên môn thì chắc chắn tình hình sẽ khá hơn.
Song trên hết, chúng ta cần tạo một ý thức rõ ràng rằng giáo dục âm nhạc cũng có thể góp một phần rất lớn giải quyết những vấn nạn trong việc chấn hưng đạo đức xã hội hiện nay, theo tinh thần "hưng ư thi, lập ư lễ, thành ư nhạc" của Đức Khổng Tử vậy.
Tác giả: Vĩnh Lạc
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-08-13-tai-sao-chung-ta-can-pho-cap-nhac-co-dien-phuong-tay





Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

Đàm Lan - Miên Man Miền Tao Ngộ

Tác phẩm thứ sáu của Đàm Lan

Cám ơn tác giả đã tặng sách và trân trọng giới thiệu với độc giả.


Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2011

Một đời


Một đời cây có mơ thành cổ thụ,
Một đời  sông có trăm nẻo xuôi về,
Một đời em có khi nào thấm mệt,
Một đời tình có riêng mảnh trăng khuya?

Ta vốn dĩ si mê thành cổ thụ
Một tình yêu hóa biển rộng muôn trùng
Nhan sắc đó buổi sông hồ cạn kiệt
Một đời tình ta bám lấy hư không.

Bùi Ngọc Thành


Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

Mưa Ngâu


Em về, tháng bảy mưa Ngâu
Có xem con nước chân cầu đục trong?
Thưa em, ở giữa đôi dòng
Đục trong cũng lệ khóc thầm vậy thôi!
Kể từ em bỏ xa tôi
Không mưa đủ xót xa rồi!
Huống chi…!


Bùi Ngọc Thành

Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

Thả thơ vào tranh nghệ thuật - Luân Hoán thực hiện


Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2011

Mười Hai Tháng Sáu - Thơ Vũ Hoàng Chương


Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2011

Những Tên Đường Trong Thành Phố Tôi - Thơ Cao Thoại Châu


" Bệ hạ muốn hàng giặc thì hãy chém đầu thần trước đã"
Trần Hưng Đạo


Khi đất nước còn vua Quang Trung
Mười tám vạn quân thù đứa nào sống sót
Không mất hồn cũng thành què cụt
Bỏ xác quê người chung nấm mồ hoang

Khi đất nước còn Lý tướng quân
Chân cứng đá mềm đứng trong lịch sử
Nhiều lá cờ nhưng chỉ lá cờ chính nghĩa
Chiều bay thơm lúa mạ trên đồng

Vẳng đâu đây mười năm rừng núi Lam Sơn
Sang sảng tiếng Bình Ngô đại cáo
Hào kiệt đất nước có khi nào thiếu
Gươm thiêng loáng nước ánh trăng rừng

Thần vì người cho mượn thanh gươm
Sòng phẳng trả khi  rửa xong hận nước
Hào khí ngời lên như ánh thép
Hận nước trong lòng của mỗi người dân!


Thành phố tôi có đường Hai Bà Trưng
Có trường học mang tên hai vị ấy
Thì cột đồng kẻ thù để lại
Kim loại nào chống  được với thời gian?

Thành phố tôi có đường Trần Hưng Đạo
Bến Bạch Đằng nhớ Bạch Đằng Giang
Bao lớp lớn lên từ trường học Ngô Quyền
Kiêu hãnh trước một bầy Nam Hán

Tôi  từng là học sinh trường Chu Văn An
Thất trảm sớ một thời lừng lẫy
Trái tim của nhà danh sĩ ấy
Bản sao còn rõ nét đến bây giờ

Chiều đi qua vườn hoa Diên Hồng
Không đa cảm mà tự nhiên nhoà lệ
Bài học này thuộc từ thời còn bé
Biết bây giờ còn trong sách giáo khoa?

Tôi đang đi giữa những con đường
Mà sao giống như trong thôn hẻo lánh
Chạnh thấy hồn vô cùng xao xuyến
Loang lổ bảng tên đường sơn tróc từ lâu!


Mỗi bảng tên đường thấm máu cha ông
Làm bằng sắt hay bằng xương thịt
Tên núi  tên sông tên từng tấc đất
Thành phố phường ngang dọc trong tim

Rất phân minh giữa bạn và thù
Người Việt Nam không biết làm nô lệ
Đường phố này mang tên các cụ
Có thể nào như những phố vô danh!?
5-6-2011

Cao Thoại Châu

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2011

Đêm tháng Năm nằm bệnh














"Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng"*

Cựa mình thức dậy khát trăng non

Gối cơn mộng nhỏ trên tàng lá

Ngơ ngác lần theo bóng cội nguồn



Nằm bệnh, ngỡ đâu rời thế tục!

Sao màu hoa ấy ngậm ngùi hương?

Sao vầng trăng cũ thơm tơ lụa,

Từng ngọn bình minh trổi dị thường?



Em ạ, rừng thưa, bờ nước cạn

Sen hồng. theo tháng hạ lênh đênh.

Hoa cúc về đâu mùa tưởng nhớ

Chỉ tiếng đàn ngân bước độc hành.



Tháng năm rơi xuống bàn tay gãy

Da thịt thâm bầm cánh phượng khô.

Có phải nhờ lời em khấn nguyện

Nên ta còn sống đến bây giờ?


Bùi Ngọc Thành


* Ca dao Việt Nam 

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

Hòa nhịp cùng làn sóng "Be strong, Japan!"

        (VTC News) – Một ca khúc đang được lan truyền và chia sẻ với tốc độ chóng mặt, lấy đi rất nhiều nước mắt của cộng đồng mạng. Không phải một hit của ngôi sao gạo cội hay đang lên nào, đó là sáng tác của một ca sĩ vô danh, Dominik Petzold, dành tặng các nạn nhân của vụ động đất, sóng thần kinh hoàng ở Nhật Bản, với cái tên giản dị: Be strong, Japan! (Kiên cường lên, nước Nhật!)
Sự giản dị của ca từ, giai điệu, những hình ảnh chân thực đến xót xa, và cả những niềm tin kiên cường trong từng ánh mắt. Đơn giản là nghe, xem và cảm nhận.
Phần phụ đề tiếng Việt trong clip do Ghostcafe Fansub thực hiện.




Lời nguyên gốc tiếng Anh:

When I see those dire pictures.I can cry just in dismay for courage and the strenght you need for help and hope I pray.Many faces marked by sorrow but many people are aware they all band together yes we are here to share There's always someone left for us something worth to fight it out bear up and you'll live to see magic moments without doubt Life and earth are nature so rich and so pure how often it looks cruel but we are happy to endure When some major things are lost we are nerveless and alone but you are not the only one When it's time to say goodbye we stand together and back you up you are not alone When I see those dire pictures I can cry just in dismay for courage and the strenght you need for help and hope I pray Now it's tough times you're going through but you keep your spirits up we all count our blessings we don't give you up


When some major things are lost we are nerveless and alone but you are not the only one When it's time to say goodbye we stand together and back you up you are not alone Million thoughts are with you while someone's singing this song you are not alone.
  Lời dịch: 



Khi nhìn thấy những hình ảnh tang thương Tôi đã hoảng loạn khóc òa Xin nguyện cầu cho bạn đủ dũng khí và sức mạnh cho những sẻ chia, hi vọng bạn cần Biết bao khuôn mặt hằn in nỗi đau nhưng nhân loại đã nhận ra rằng Họ đang gắn kết lại với nhau Bởi vì chúng ta ở đây để chia sẻ Luôn luôn có ai đó ở lại vì ta Điều gì đó đáng để ta tranh đấu Kiên cường lên và sẽ sống để nhìn thấy những khoảnh khắc kỳ diệu đến không ngờ Cuộc sống và trái đất đều do mẹ thiên nhiên Thật phong phú và vô cùng thuần khiết Dẫu có khi dường quá ư tàn khốc nhưng chúng ta vẫn vui vẻ vượt qua Khi những gì quý giá mất đi Ta yếu đuối và thấy sao cô độc Nhưng bạn ơi, ta đâu chỉ một mình Và đến lúc phải nói lời giã biệt chúng tôi sẽ ở bên an ủi động viên bạn không cô độc Khi nhìn thấy những hình ảnh tang thương Tôi đã hoảng loạn khóc òa Xin nguyện cầu cho bạn đủ dũng khí và sức mạnh Nguyện cầu cho những sẻ chia, hi vọng Lúc này đây, cam go phải vượt qua Nhưng xin bạn hãy cứ vững lòng Chúng tôi vẫn luôn nguyện cầu cho bạn Và chẳng khi nào bỏ rơi bạn Khi những gì quý giá mất đi Ta yếu đuối và thấy sao cô độc Nhưng bạn ơi, ta đâu chỉ một mình Và đến lúc phải nói lời giã biệt chúng tôi sẽ ở bên an ủi động viên bạn không cô độc Triệu con tim đang hướng về bên bạn khi ai đó ca vang bài hát này Bạn không hề đơn độc!



Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2011

Những người kể chuyện cứu thế gian


Tác giả: Nguyễn Quang Thiều
Trên Star Movies tối ngày 3 tháng 3, tôi đã xem bộ phim Imaginarium of Doctor Parknassus. Và tôi thực sự bị ám ảnh cho dù điều bộ phim nói đến không phải là lần đầu tiên tôi nghe nói.

Bộ phim kể về những người thay nhau kể những câu chuyện để giữ cho trục trái đất quay. Nếu họ ngừng kể những câu chuyện này thì trái đất sẽ ngừng quay. Đó là những câu chuyện về những điều tốt đẹp và kỳ diệu trong đời sống thế gian. Và thế, có một gã phù thủy vô cùng độc ác và cao tay, một kẻ đại diện cho sự hủy diệt Cái đẹp và chống lại những lẽ công bằng, nhân ái, đã tìm đến. Với pháp thuật của mình, gã phù thủy đã làm cho những người kể chuyện không thể mở miệng ra để kể những câu chuyện được nữa. Nhưng vẫn còn một người kể chuyện cuối cùng. Bất chấp mọi thách thức và đe dọa của gã phù thủy, ông đi khắp thế gian và kể những câu chuyện kỳ diệu về đời sống này. Vì thế, trái đất vẫn quay.

Đó là một câu chuyện sáng tạo. Nhưng đó cũng là sự thật của đời sống thế gian này. Sự thật là, khi chúng ta không còn biết kể những câu chuyện tốt đẹp và kỳ diệu hay không còn những câu chuyện tốt đẹp và kỳ diệu trong đời sống để kể thì đời sống thế gian sẽ bị hủy diệt. Và xét cho tới gốc rễ của câu chuyện trên, chúng ta hiểu rằng : khi con người không có ý thức làm ra những điều tốt đẹp cho đời sống này thì nghĩa là con người đang giết chết thế gian.

Thế gian cần ở những người kể chuyện sự xúc động lớn lao, lòng say đắm vô bờ và sự quả cảm
Quả thực, chúng ta đang lãng quên những điều kỳ diệu trong đời sống của chúng ta. Mỗi người trong chúng ta thử "thống kê" trong một ngày, một tháng, một năm xem chúng ta đã có bao lần kể cho ai đó một cách xúc động và say đắm về một điều tốt đẹp và kỳ diệu trong đời sống thế gian chúng ta đang sống hay không ???

 
Và hiện thực đã làm cho những người có lương tâm và có ý thức không thóat khỏi nỗi phiền muộn và đau đớn. Hiện thực đó là : mỗi ngày những câu chuyện tốt đẹp và kỳ diệu không còn quyến rũ chúng ta nữa. Hay nói cáh khác, chúng ta đang đánh mất ý thức hành động cho những điều tốt đẹp và kỳ diệu cũng như lên tiếng về những điều đó nữa.  Trong mỗi ngôi nhà, trong mỗi công sở, trong những lớp học, trong những quán cà phê, trong những cuộc gặp gỡ và ngay cả trên gường ngủ của những đôi tình nhân và những cặp vợ chồng, chúng ta càng ngày càng ít thấy những câu chuyện tốt đẹp và kỳ diệu được vang lên ở những nơi chốn đó, nơi mà mới đây thôi ( trong những năm tháng ấu thơ của mình) tôi vẫn được nghe ngày ngày như một sự ban phước.
Và một hiện thực đau đớn hơn là : càng ngày càng nhiều hơn những kẻ cảm thấy khó chịu và nhiều lúc giận dữ khi nghe người khác kể những câu chuyện tốt đẹp và kỳ diệu trong đời sống này. Và thậm chí, những kẻ đó tìm cách ngăn cản những câu chuyện tốt đẹp và kỳ diệu được kể ra.
Thế là, có không ít người đang xúc động và say đắm kể những câu chuyện ấy đã ngừng bặt. Và không ít người trong số họ đã bỏ mặc và rơi vào những câu chuyện đầy thực dụng và nhuốm đen bởi những mưu mô.
Kết thúc của bộ phim nói trên là khát vọng của con người về một ngày nào đó, những câu chuyện về những điều tốt đẹp và kỳ diệu sẽ lan tỏa khắp thế gian này. Và để làm được điều đó, thế gian cần ở những người kể chuyện sự xúc động lớn lao, lòng say đắm vô bờ và sự quả cảm.
  
Nguyễn Quang Thiều



Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011

Thơ ... Thất Bát.




Ta chẳng phải nhà thơ,
Ngại đầu xuân khai bút.
Ta chẳng phải Kinh Kha,
Lưỡi gươm xưa cùn, nhụt.

Tình yêu em: - Chỉ một.
Cũng ... mai một mất rồi!
Cành lộc biếc này thôi,
Gửi về nơi xa vắng...

Giữa đêm xuân tĩnh lặng
Lung linh độc huyền cầm.
Rung bờ suối lạnh căm
Hồn hiện lên sương khói.

Những đêm buồn le lói
Ta võ vẽ làm thơ
Những vần thơ ... thất bát,
Như tình ta bây giờ!

 Bùi Ngọc Thành

Thứ Tư, 2 tháng 2, 2011

Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên

Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2011

mặc những xầm xì - thơ Hoàng Lộc















hồi đó mẹ yêu cha - yêu gì yêu dữ
để sinh em, môi mắt phải đa tình
khi ngồi nhớ - dưới trời mưa lữ thứ
cũng ngát môi hồng và mắt ướt trong anh

người phụ nữ nào khi yêu cũng đẹp ?
như em đây đã đẹp đến kinh hồn !
anh cũng đang yêu nên anh mới biết
em trong lòng - chẳng có đứa nào hơn...

anh với em thiếu thiên thời địa lợi
còn nhân hoà- em nghĩ có cần không ?
chuyện hai đứa yêu thì yêu cái đã
ai xầm xì - kệ mẹ nó - cho xong !

 

1-2011
HOÀNG lỘC



http://thotinhhoangloc.blogspot.com 

Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

Hoàng Hôn Xanh



Có bao giờ hoàng hôn ấy màu xanh?
Thơ Hoa Nắng 

















Có bao giờ hoàng hôn ấy màu xanh?

Trăng thổn thức,vai thơm lừng hương bưởi.

Thơ em viết sao lạ lùng quá đỗi,

Thảm nhung nào trải rộng giấc mơ anh!



Có bao giờ hoàng hôn ấy màu xanh

Khi thức dậy nở ra bình minh tím?

Cho anh bỗng hóa thân thành con kiến

Tha rơm vàng về lót dấu chân em.


Đừng bao giờ hoàng hôn ấy màu … kem!

Thêm giá buốt mùa đông này, em ạ!


Bùi Ngọc Thành 

Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2011

Cuối năm ngồi nhậu
















Trời đã lạnh, cắc cớ gì không nhậu?

Mây đỉnh trời nhúng xuống đáy truông sâu,

Hoa chín đỏ bên suối rừng tê tái.

Các cớ chi không ngất ngưởng bên cầu?



Ngày sẽ hết, năm sẽ cùng, tháng tận.

Tay mỏi mòn, môi sẽ héo khan hơi.

Ai có thể dưới mộ phần an nghỉ

Khi em còn nhơn nhởn bóng ma trơi?



Dăm đứa bạn ngồi xoay quanh kỷ niệm

Nhắc một thời, thương nhớ lại mênh mông.

Chùm hoa dại loãng tan cùng khói thuốc

Cắc cớ gì tình yêu ấy hư không?



Đâu phải cúng tất niên ? Buồn ? Uống rượu!

Đâu phải lòng chua xót cuộc ly bôi!

Cơn lũ đã xua ta vào biển rộng

Cắc cớ gì cơn mộng ấy trùng khơi?



Trời độ lượng, mà ta - thằng ích kỷ.

Nhậu lên bờ, xuống ruộng bởi … không em!

Từ sáng sớm đến trưa hồng chưa đã!

Và bây giờ … sương khói buổi chiều lên.


Bùi Ngọc Thành

Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2011

Dám Liều?

Đàm Lan đã gửi bản chính thức qua email bằng file .pps. Tôi đã convert thành file .avi và đem vào blog để mọi người xem mình có "dám liều" không, hoặc ngẫm lại trong đời đã bao lần mình đã "trót liều" hay "một liều, ba bảy...cũng liều"?

Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2011

Chào Hai Không Mười một


  © Blogger template 'Personal Blog' by Ourblogtemplates.com 2008

Back to TOP