Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

Chữ "Không" trong thơ tình Hoàng Lộc



Đọc bài thơ Vang động trong tập Cho dẫu phù vân và bài Bên sông mới đăng trên trang thơ tình Hoàng Lộc, tôi bàng hoàng với chữ “không” trong những câu thơ anh viết. Với tâm tình của một người yêu thơ Hoàng Lộc, tôi không có ý định so sánh chữ “không” trong thơ anh và  chữ “không” trong triết lý của nhà Phật. Chỉ đơn giản là: “Không” đối lập với “Có”, hoặc nói  “không” đôi khi lại hàm ý “Có”.
Một bữa ngó lại đời, nghe sợi tóc xa màu xưa, không phải thấy sợi tóc đổi màu, mới thấm thía hết cái cô đơn vật vã của kiếp phận :
còn anh những thứ không còn
cái thân trôi dạt cái hồn phiêu linh – (Bữa ngó lại đời)
Những thứ không còn, đã vuột khỏi tầm tay, tầm mắt nhưng trong anh vẫn còn có một trái tim  bám vào cái “thân trôi dạt cái hồn phiêu linh”. Trái tim thuộc phần hồn hay phần xác, thuộc lý trí hay tình cảm? Đừng vội tìm câu trả lời, chỉ cần nghe anh kể lể:  
ta sống một đời không dối trá
trái tim còn đọng những hồi chuông – (Bữa ngó lại đời)
Ta thấy anh nói đến cái “không dối trá” để khẳng định cái “có” và cái “còn đọng những hồi chuông”.
Đôi khi cái “không” lại xô đẩy cái “có” đến mênh mông vô tận:
những gì không nói cùng em
ta đi nói với nghìn đêm mịt mù – (Thưa phu nhân)
Đến  khi “có” nhưng rồi…có cũng như “không”!
ta đã gặp những gì không thể gặp
từng của nhau mà chẳng có được nhau – (Bên sông)
Kể cả những vật hữu hình hữu sắc như tà áo ai bay:
để thơ dại tưởng sắc màu chỉ một
trắng không màu là màu trắng không phai
Ngoài màu trắng không phai còn có trăm màu áo khác nên nhà thơ phải ngậm ngùi:
một sắc áo một màu không giữ nổi
huống chi em trăm thứ áo, trăm màu – (Gửi cô giáo)
Tình yêu phải chăng là huyễn mộng để đêm về thú nhận:
đã tay gầy tay bắt bóng
không bắt nổi tình xưa – (Ngoại ô, đêm)
Tại sao ta suốt đời phải lần tìm những hình bóng thương yêu hay những hình bóng thương yêu cứ lần tìm theo ta mãi mà chẳng bao giờ bắt được? Có lẽ, khởi từ người nữ trong thơ cũng đượctạo dựng bằng  cái “không”,và  những cái “không” đan xen nhau hàng hàng lớp lớp xô đẩy ta về vùng huyễn mộng:
ta thương nhớ những gì em không có
những gì em không có ở đời chung – (Vang động)
Cái không có ở đời chung lại đặt ra vô vàn câu hỏi về những cái khác ở đời riêng, kể cả khi:
em không về, em không về nữa
mà sắc hương kia vẫn rất buồn. – (Phía –có – em)
Và:
khi nghe sắp cạn kiếp người
em đau không được nói lời thương anh – (Câu ru)
 Cuộc đời cho dẫu phù vân có khiến lòng người hăm hở, tiếc nuối:
có thể rồi em không uống kịp
nỗi riêng vấp phải lòng ta đau
đã thu trên lá, phai từng chiếc
và cõi muôn trùng đã mất nhau. – (Rượu mời sinh nhật)
Có một nhà thơ đã ví von “Tuổi đời như chuỗi hoa dần ngắn lại” (Tôi nhớ hình như của Phạm Thiên Thư). Trong những bông hoa còn lại lúc nào cũng vướng vất hương vị của tình yêu dù đã mất nhau, dù đã bao lần hối thúc.
đã không còn kịp nữa
hạt lệ nào cho em
như một lần tiếc nhớ
của một thưở làm người – (Không kịp)
Còn nhiều chữ “không” trong những cuộc tình, trong thơ Hoàng Lộc. Nhưng có lẽ chừng ấy cũng đủ để cảm ơn tác giả đã cho người đọc bữa nay ngó lại đời mình.
 Bùi Ngọc Thành - 03 - 2012

Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

Chuyện về cây thông

(Dân trí) - "Người sống sót" duy nhất trong rừng thông 70.000 cây từng hiên ngang đứng trước biển ở Rikuzentakata đã trở thành biểu tượng của hy vọng tại Nhật Bản, khi đất nước này vật lộn trong thảm họa 11/3 năm ngoái. Song giờ đây, "cây thông của hy vọng" đang dần chết.

Và bài thơ, giai thoại của cụ Nguyễn Công Trứ:
Cụ Thượng Uy Viễn Nguyễn Công Trứ ngang tàng, coi đời như một cuộc chơi thú vị theo ý ngông của mình cho đến tận lúc chết, và cả chết Cụ cũng ngông như vừa nói ở trên. Thế nhưng, cái ngông, cái ngạo của Cụ không dừng lại ở kiếp này, mà còn sang cả kiếp sau nữa.
Tương truyền, vào phút lâm chung, cụ Trứ dặn con cháu trước mộ mình chỉ trồng một cây thông xanh mà thôi. Và bài thơ Cụ để lại sau đây cũng có thể coi là lời di chúc của Cụ với đời: kiếp người, dù có tài, có sang, có chơi đến như Cụ vẫn có những lúc buồn tênh, vẫn đầy những nhộn nhạo, khóc cười; và Cụ hẹn một cuộc chơi khác:
Ngồi buồn mà trách ông xanh,
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.
Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo!
Nhưng dù thế, Cụ vẫn không muốn mình đơn độc, vẫn muốn tìm bạn, để có người tri kỉ, cùng chơi. Cụ gửi lại lời mời đầy thách thức:
Giữa trời vách đá cheo leo,
Ai mà chịu rét thì trèo với thông!
Nhân vật chết, hết giai thoại!
(Văn Hóa Nghệ An)

Thứ Hai, 5 tháng 3, 2012

Tưởng Niệm











Một đêm xưa anh hát ru em ngủ
Giấc mơ thêu ngàn hoa nắng địa đàng
Mười ngón tay anh kết thành vương miện
Trái tim nồng đêm thắp sáng dung nhan.

Dòng tóc xõa, vai đầy âm gió cuốn
Con đường nào mưa dội bóng em đi
Anh xiết chặt sợ thời gian trôi mất
Bởi cuộc tình trăm ngã để chia ly

Bờ bến vắng - chưa hẹn ngày tái ngộ
Tình chênh vênh - lắt lẻo một nhịp cầu
Trong trí tưởng em không còn về nữa
Thôi sá gì năm tháng phải xa nhau!

Người ta gọi dửng dưng là bất hạnh
Bàn tay quen thôi đã hết ân cần
Lưng áo rách ngập ngừng kim chỉ vá
Tê điếng hồn từng mũi nhọn phân vân

Thành lũy cuối giam đời em: cõi chết
Đám mây trời u uẩn khói hương tan
Em yên nghỉ trong anh và mãi mãi
Chuyện đau thương chìm dưới nắng địa đàng

Rồi hôm nay, anh hát ru em ngủ
Vòng tay nào khung cửa khép thiên thu?


Bùi Ngọc Thành

Cám ơn Hoàng Thị Viễn Du đã gửi lại bài thơ đã nhiều năm lưu lạc.

  © Blogger template 'Personal Blog' by Ourblogtemplates.com 2008

Back to TOP