Về đâu vó ngựa?
Cuộn mình trong chăn chú bé mơ màng nghe tiếng lục lạc và tiếng vó ngựa gõ trên đường, những chuyến ngựa thồ ngược xuôi hai đầu thị trấn. Tiếng ngựa gõ trên đường vào những sớm mai lạnh buốt hơi sương hoặc chiều hôm nắng vàng héo hắt đã theo chú bé mấy mươi năm để bất ngờ thốt lên “bóng câu cửa sổ” và lại cuộn mình trong tấm chăn êm đềm quá khứ.
Nhưng quá khứ đâu phải thật sự êm đềm. Con ngựa nơi thị trấn bé nhỏ đã lạc vào thế giới phim cổ tích Ấn Độ để theo hoàng tử đẹp trai giải cứu mỹ nhân. Con ngựa thồ hiền lành ốm yếu bỗng dưng trở nên vạm vỡ, tung vó bụi mù theo đoàn quân La Mã đi chinh phục khắp nơi. Con ngựa cũng nếm mùi chiến bại, lấy da mình bọc thây cho minh chủ.
Có thể những đức tính và hình ảnh của con ngựa trong văn học và các bộ môn nghệ thuật đã làm tôi ngưỡng mộ nhưng tiếng vó ngựa in vết trong tôi từ thưở ấu thời thì cứ quay về ám ảnh. Tôi không thể lý giải tại sao, và cũng không thể nào lý giải tại sao hai câu thơ tôi nghe từ thưở thiếu thời, cũng về ngựa, lại âm vang hoài trong tâm thức:
Đời buồn tênh sao người không đi ngựa
Cho tôi nghe lóc cóc trên đường.
Tiếng lóc cóc có phải là tiếng đồng hồ gõ nhịp trong đêm, tiếng của thời gian vọng ngoài cửa sổ mỗi chiều về? Đời buồn tênh sao không để người chọn một phương tiện khác nhanh hơn, hiện đại hơn để không thấy cơn buồn kia dai dẳng, để mau về nơi đô hội phồn hoa? Nhà thơ đã sử dụng quyền năng tối thượng để người đọc phải chấp nhận những nghịch lý, phải đương đầu với nghiệt ngã, tai ương và từ đó chiêm nghiệm được đôi điều từ cuộc sống. Có thể đôi điều ấy cũng rất bình thường nhưng nhà thơ lại đặt ta ngồi ở một góc độ khác khiến cho điều bình thường ấy trở thành sự ngỡ ngàng , kinh dị.
Kiếp ngựa ruổi rong, mịt mù mê lộ. Trong cuộc hành trình “ta đi kiếm mình, kiếm mỗi một ta thôi!” có biết bao buồn vui, huyễn hoặc, đôi lúc chất ngất tủi hờn. Từ nhân sinh thế sự cho đến cuộc tình đầy thoắt đó trở nên vơi, và cả vầng trăng không đáng để tôi tin.
Thì thôi hãy để tôi về cuộn mình trong tấm chăn ấm êm thời thơ ấu mơ màng nghe vó ngựa.
* Những dòng in đậm được trích dẫn từ tập thơ Ngựa hồng của Cao Thọai Châu
0 nhận xét:
Đăng nhận xét